top of page

Làm sao để chọn ngách? Nếu không chọn được ngách thì sao?

  • Ảnh của tác giả: Thu Hoàng
    Thu Hoàng
  • 12 thg 12, 2023
  • 5 phút đọc


 1. Ngách là gì?

Đối với người làm nội dung, ngách có thể hiểu là một lĩnh vực cụ thể như chuyên viết về Nội thất - kiến trúc, Bất động sản, Giáo dục, Mẹ và bé… hoặc một thể loại content cụ thể như kịch bản Tiktok, storytelling, content SEO… Ngách cũng có thể là một phong cách riêng biệt tạo nên thương hiệu của tác giả, để khi nghĩ đến giọng văn này, người ta nhớ ngay đến cây bút đó, ví dụ những content dễ thương sẽ gọi tên Làn; hài hước, vui nhộn là nét đặc trưng của Trang Chó, hay sự dịu dàng, nữ tính thấm đẫm trong từng vần thơ của Hiên…

Nếu như thế giới rộng lớn của những người làm tự do là một đại lộ thênh thang, thì ngách giống như những con ngõ nhỏ. Trên đại lộ với hàng ngàn lượt người đi lại, sẽ không ai biết được bạn là ai, nhưng trong những con ngách nhỏ, bạn sẽ dễ dàng ghi dấu ấn riêng của mình, vun vén từng hạt mầm đơm hoa rực rỡ.

Theo khảo sát của Công ty tuyển dụng Anphabe tại Việt Nam (từ cuối năm 2021), nhân lực tri thức Việt hiện có 53% làm việc độc lập, trong đó có 14% làm tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% duy trì công việc cố định kết hợp làm tự do bán thời gian. Số người chọn làm việc tự do ngày càng tăng so với lực lượng lao động cố định, trong thế giới freelancer đó, có hàng nghìn người được gọi tên chung là “Người viết nội dung” (content).

Bạn có thể sẽ bị lướt qua trong tâm trí khách hàng giữa những người “đồng phím” khác vẫn đang miệt mài “bán chữ”. Nhưng mình tin rằng, khách hàng sẽ ghi nhớ hơn nếu như bạn định vị được rõ ngách của mình, đó là “chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản”, “người có kinh nghiệm viết chắp bút” hay “cây bút tạo ra những storytelling cảm xúc”… Con đường tuy nhỏ nhưng rõ ràng hơn, khiến bạn trở nên khác biệt và được nhớ đến ngay khi khách hàng có nhu cầu đúng ngách của mình.

 2. Tầm quan trọng của ngách

Khi bắt đầu nghỉ công việc văn phòng để làm tự do, mình đã nghĩ rằng mình sẽ là một cây bút đa lĩnh vực. Mình có thể viết bài PR y tế, bài SEO kiến trúc, bài Facebook cho quán cà phê hay lên một kịch bản TVC nhà đất. Nhưng rồi vì không có hiểu biết đủ rộng, mình tốn quá nhiều thời gian cho việc tìm kiếm thông tin cho một lĩnh vực mới, portfolio của mình như một bát súp thập cẩm và cũng không có thế mạnh đủ ấn tượng để ghi điểm với khách hàng.

Sau vài lần thất bại, mình nhận ra rằng khách hàng thường có xu hướng lựa chọn một người viết chuyên về mảng họ cần, và sẽ “chốt” nhanh hơn với một profile có sẵn các sản phẩm về lĩnh vực của họ. Mặc dù rất tiếc, nhưng mình đã từ chối những dự án khác để tập trung vào một lĩnh vực duy nhất: Bất động sản - lĩnh vực mà mình đã làm suốt 03 năm qua. Khi tìm được con đường để phát triển, mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng. Không chỉ có những dự án “xịn” hơn, mình còn có cơ hội định giá cao hơn so với trước kia, bởi mình có thể tự tin nói với khách hàng rằng đây là thế mạnh của mình.

Thay vì mò mẫm mỗi thứ một ít trong biển kiến thức vô tận, đi sâu vào từng ngách giúp bạn xác định được mình cần phải học thêm những gì, tìm những người thầy nào, rèn luyện thêm kỹ năng gì… từ đó nâng cao năng lực bản thân. Khi năng lực tăng, giá trị mỗi bài viết tăng đồng nghĩa với thu nhập cũng tốt hơn. Ngoài ra, bạn còn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, dễ dàng để lại ấn tượng với khách hàng và phát triển các sản phẩm dịch vụ của mình đa dạng hơn (trở thành mentor về lĩnh vực đó, cung cấp sản phẩm trọn gói như một agency…)

 3. Làm sao để chọn ngách?

Để chọn ngách, bạn có thể dựa vào 3 yếu tố: Kinh nghiệm, trải nghiệm và sở thích để tìm ra lĩnh vực mình yêu thích. Sau đó kết hợp với yếu tố tiềm năng (thị trường mục tiêu có khách hàng không, có nhiều đối thủ cạnh tranh không, mình có khả năng làm tốt hơn ở thị trường đã có nhiều đối thủ hay không…). Ngoài ra, bạn nên chọn một ngách vừa vặn với khả năng và nhu cầu thị trường, không nên chọn những ngách quá rộng hoặc quá hẹp. Ví dụ, profile của bạn là “một người chuyên viết nội dung bất động sản theo phong cách storytelling để đăng website” sẽ quá hẹp, còn ngách “một người chuyên viết bài PR” thì có lẽ là chiếc áo hơi rộng.

Để quyết định đâu là ngách chính của mình, bạn có thể áp dụng các bước như sau:

 - Xác định lĩnh vực hoạt động của bạn

 - Tìm hiểu chân dung khách hàng

 - Lên danh sách các ngách tiềm năng

 - Phân tích tiềm năng của các ngách

 - Thử nghiệm và đánh giá.

Ngoài ra, để chọn ngách phù hợp, bạn nên cân nhắc những lĩnh vực là sở thích của mình để có thể đi đường dài và có động lực cao hơn trong suốt hành trình.

  4. Nếu không chọn được ngách thì sao?

- Chọn các ngách “thường xanh” (evergreen): Cây thường xanh là một loại cây giữ lá màu xanh tươi sáng quanh năm. Người ta lấy tên cây thường xanh (Evergreen) để nói về những nội dung không bao giờ “lỗi thời” và luôn có nhu cầu trong mọi thời điểm. Một số ngách “thường xanh” bạn có thể tham khảo như: Sức khỏe và dinh dưỡng, Tài chính cá nhân, Giáo dục và học tập, Du lịch và giải trí, Công nghệ, Thú cưng… Tuy nhiên cần lưu ý rằng mặc dù các ngách này là “thường xanh”, nhưng để thành công trong việc tiếp cận và thu hút khách hàng, bạn cần tạo ra những nội dung chất lượng và thường xuyên cập nhật xu hướng mới nhất để nâng cao giá trị bài viết của mình.

- Thử nghiệm thật nhiều: Mặc dù mình đã làm việc tại hai công ty bất động sản, gần như thuộc lòng các định nghĩa chuyên ngành, nhưng mình cũng mất khá nhiều thời gian để xác định đây là ngách chính. Vì vậy, bạn đừng lo nếu chưa chọn được ngách phù hợp. Ở giai đoạn đầu, khi chưa định vị được bản thân, còn mông lung về sở thích, hãy cứ thử nghiệm thật nhiều. Sau khi tìm ra một số ngách tiềm năng, bạn có thể đánh giá sự phù hợp của mình cũng như đo lường nhu cầu thị trường, từ đó quyết định tiếp tục phát triển ngách đó hoặc chuyển qua ngách khác. Sau khi va vấp đã đủ, bạn sẽ tìm ra cho mình lộ trình phù hợp nhất để tiến lên.

Một câu nói mà mình rất thích là “Hãy cứ nghĩ lớn, và bắt đầu từ những bước nhỏ”. Có thể bạn chưa tìm ngay ra ngách; có thể bạn lo sợ ngách đó không “hot”; có thể bạn không tự tin để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình… Nhưng đó không nên là lý do để từ bỏ việc bạn trở thành một cây viết tự do.“Những người thành công chưa hẳn là những người thông minh mà là những người lì lợm”, chúc bạn luôn can đảm và tự tin để chinh phục mọi con đường phía trước!

 
 
 

Σχόλια


bottom of page